Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018

Vụ “Tiền ngân sách hỗ trợ dân mất mùa chui vào túi ai?”: Không ai quan tâm, xót tiền ngân sách...

Báo Lao Động số ra ngày 18.8.2018 có bài “Tiền ngân sách hỗ trợ dân mất mùa chui vào túi ai”, phản ánh hàng chục hộ dân xã Thanh Sơn (Định Quán - Đồng Nai) bị nhận thiếu hoặc không nhận được tiền hỗ trợ do vụ điều và xoài 2016 - 2017 thất bát. Tiếp tục điều tra vụ việc, chúng tôi phát hiện thêm nhiều dích dắc trên đường đi của đồng tiền ngân sách…
Có 2 giấy ký và nhận tiền khác nhau
Theo quy trình, sau khi được UBND tỉnh thẩm định phê duyệt, UBND huyện Định Quán sẽ gửi xuống xã danh sách các hộ dân được hỗ trợ, trong đó thể hiện số tiền chi tiết mỗi hộ được nhận, người nhận tiền ký thẳng vào danh sách. Cấp phát xong, danh sách sẽ được chuyển về huyện báo cáo và lưu trữ. Danh sách này còn buộc phải niêm yết công khai tại trụ sở thôn ấp... để dân biết.
Tuy nhiên, đi kiểm tra, đoàn UBMTTQ Việt Nam xã Thanh Sơn phát hiện, ngoài danh sách do UBND huyện Định Quán đưa xuống, phê duyệt chi tiết từng hộ dân được nhận tiền thì còn có loại danh sách thứ 2 mang tên “Phiếu nội bộ”. Té ra, chính cán bộ cấp phát tiền đã tự ý lập ra phiếu nội bộ song song với danh sách huyện nêu trên.
Khi dân tới, cán bộ trong tổ cấp phát (xã, ấp) chi tiền theo số tiền in phiếu nội bộ, nhưng lại yêu cầu ký nhận vào danh sách có số tiền khác được in sẵn trong danh sách đã được phê duyệt của UBND huyện. Một số hộ phát hiện ra sự chênh lệch giữa tiền nhận và tiền trong danh sách “ký” đã khiếu nại, nhưng rồi vẫn phải nhận, nếu không thì miễn hỗ trợ.
Xác minh “sơ sơ” của đoàn giám sát, so sánh giữa danh sách huyện duyệt và phiếu chi nội bộ nêu trên, phát hiện số tiền mà tổ cấp phát cấp thiếu cho 19 trường hợp với số tiền hàng chục triệu đồng. Có hộ bị “thất lạc” gần hết số tiền được nhận như hộ bà Lê Thị Phước (ấp 5) được hỗ trợ 17 triệu đồng nhưng số tiền thực nhận chỉ 1,7 triệu đồng. Các hộ Điểu Lôi (5,9 triệu đồng) Vũ Văn Luận (20 triệu đồng) Nguyễn Văn Trịnh (13 triệu đồng) Trần Văn Hòa (10 triệu đồng)… đều bị chỉ nhận được nửa số tiền mà không biết lý do.
Lập lờ để ép dân?
Theo phê duyệt của UBND tỉnh Đồng Nai về kinh phí hỗ trợ thiệt hại do mưa trái mùa gây ra năm 2016-2017 thì phải hỗ trợ cho dân trước ngày 31.12.2017. Tuy nhiên, tại thời điểm giám sát của UBMTTQ Việt Nam xã Thanh Sơn (đến cuối tháng 4.2018), vẫn còn tới 54 hộ dân chưa được nhận tiền. UBND xã Thanh Sơn cũng chưa hề có kế hoạch thông báo dân có tên trong danh sách đến nhận.
Điều khó hiểu khác, để ra được danh sách công khai từng hộ dân, từng diện tích nhận tiền hỗ trợ phải qua quy trình kỹ càng: Dân khai báo, chính quyền địa phương thẩm định rồi trình lên Sở NNPTNT, trình UBND tỉnh. Tỉnh lập nhiều đoàn đi thẩm định lại rồi mới duyệt danh sách.
Thế nhưng, thay vì đưa giấy ký nhận tiền, theo tố cáo của người dân, khi đến nhận tiền, cán bộ xã, ấp trong tổ cấp phát lại… hỏi lại diện tích canh tác. Sau đó, có người bị “ép” hạ thấp diện tích thiệt hại. Điển hình là hộ ông Nguyễn Vũ Hùng (tổ 3, ấp 6) kê khai theo sở là 2,7 ha, cán bộ cấp phát chỉ đồng ý 2,5 ha. Khiếu nại không có kết quả nên ông Hùng đồng ý nhưng lại chỉ nhận được 4 triệu đồng với lý do, xã chỉ công nhận cho ông 2 ha chứ không phải 2,5ha như thỏa thuận trước đó.
Trong khi đó, có 22 hộ dân bị phát hiện có đất ngoài khu vực được hỗ trợ với tổng diện tích hơn 31 ha vẫn được đưa vào danh sách nhận tiền.
Cả người dân và UBMTTQ Việt Nam xã Thanh Sơn đã gửi đơn và kết luận giám sát tới cơ quan chức năng huyện, tỉnh Đồng Nai từ lâu, nhưng dường như không ai quan tâm, “xót” cho đồng tiền ngân sách để mà làm rõ.
Đồng Nai đứng thứ 2 cả nước về diện tích điều. Niên vụ 2016-2017 toàn tỉnh có khoảng 31,7 nghìn ha điều bị thiệt hại. Trên 8,5 nghìn ha xoài bị giảm năng suất từ 30-70%. Tổng thiệt hại xoài và điều ước tính khoảng 1,4 nghìn tỉ đồng. UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt hỗ trợ cho dân 83 tỉ đồng.
NGÔ NGUYÊN

Doanh nghiệp Thuận Thảo: Từ đỉnh cao rơi xuống vực thẳm

Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam sẽ đấu giá tài sản để đảm bảo khoản nợ của Doanh nghiệp Thuận Thảo Nam Sài Gòn vào ngày 24.8 tới đây. 
Theo Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), hiện tổng nợ gốc và lãi của doanh nghiệp Thuận Thảo Nam Sài Gòn là 2,4 nghìn tỷ đồng. VAMC bán đấu giá khoản nợ với giá khởi điểm là 1.208 tỷ đồng, thông qua hình thức bỏ phiếu gián tiếp.
Khoản nợ ngàn tỷ của Thuận Thảo Nam Sài Gòn có tài sản đảm bảo gồm 3 khu đất với tổng diện tích hơn 22ha tại TP.HCM. Cụ thể, trụ sở chính của Thuận Thảo rộng 275 m2 tại đường Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, Quận 1 cùng với 2 khu đất có tổng diện tích lên tới 22 ha thuộc thị trấn Tần Túc, huyện Bình Chánh.
Bà Võ Thị Thanh, Chủ tịch HĐQT, người mặc bộ đồ xanh từng được vinh danh 100 doanh nhân tiêu biểu của cả nước.
Bà Võ Thị Thanh, Chủ tịch HĐQT, người mặc bộ đồ xanh từng được vinh danh 100 doanh nhân tiêu biểu của cả nước.
Thuận Thảo Nam Sài Gòn là doanh nghiệp do bà Võ Thị Thanh, Chủ tịch HĐQT Thuận Thảo thành lập từ năm 2004, với mục tiêu lấn sân bất động sản sau thành công vang dội trong lĩnh vực vận tải.
Công ty CP Thuận Thảo tiền thân là doanh nghiệp vận tải hàng đầu của tỉnh Phú Yên thành lập năm 1997. Bà Võ Thị Thanh, Chủ tịch HĐQT được vinh danh “bông hồng vàng” trong 100 doanh nhân tiêu biểu.
Thuận Thảo từng có thời kỳ kinh doanh hoàng kim, nhưng gặp thảm kịch khi liên tục mở rộng đầu tư, phát triển như vũ bão hàng loạt các dự án BĐS như: Khách sạn 5 sao Cendeluxe, Thuận Thảo Land, Resort & Spa Golden Beach, Nhà hát Sao Mai,... trong bối cảnh du lịch Phú Yên chưa được phát triển và thị trường BĐS bước vào thời kỳ khủng hoảng.
Bà Võ Thị Thanh, nữ đại gia từng được mệnh danh là “Bông hồng vàng”, nay có nguy cơ thành “Bông hồng đen” do vướng vào khoản nợ khổng lồ và bị Ngân hàng BIDV siết nợ. Doanh nghiệp Thuận Thảo từng đứng ở đỉnh cao khi vào Top 100 doanh nghiệp lớn nhất nước, nay có nguy cơ rơi xuống vực thẳm.
HUÂN CHƯƠNG

VTV gửi công văn xin tiếp sóng ASIAD 2018 từ VOV

Ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng Ban Thư ký Đài Truyền hình Việt Nam (VTV)  xác nhận với Lao Động, đơn vị này đã gửi công văn xin tiếp sóng ASIAD 2018 từ VOV.
Được biết, việc gửi công văn đã được VTV hoàn tất trong đầu giờ chiều ngày 21.8, ngay sau khi VOV và VTC hoàn tất thủ tục ký hợp đồng sở hữu bản quyền ASIAD 2018.
Hiện tại VTV đang chờ hồi âm từ phía VOV để có kế hoạch phát sóng ASIAD trên các kênh của mình.
Nếu được VOV chấp thuận, có thể VTV sẽ phát sóng chương trình ASIAD 2018 trên kênh VTV6.
Chia sẻ thêm với PV Lao Động, ông Nguyễn Hà Nam khẳng định, VTV rất hoan nghênh việc VOV hay bất cứ đơn vị truyền hình nào ở Việt Nam mua được bản quyền ASIAD. “Bất cứ đài nào có sóng, chúng tôi cũng sẽ gửi công văn để xin tiếp sóng”, ông Hà Nam nhấn mạnh.
Trả lời về những phản ứng của dư luận về việc VTV không mua bản quyền ASIAD, người phát ngôn của VTV một lần nữa khẳng định, lý do họ không thể mua là vì đối tác đưa ra giá bản quyền trên lãnh thổ Việt Nam quá cao. “Mức phí đó vượt ra ngoài khả năng chi trả của VTV. Dù công tác đàm phán ASIAD 2018 đã được lãnh đạo VTV tiến hành từ tháng 12.2016, nhưng cuối cùng vẫn không thể hiện thực hóa được. VTV không thể mua bản quyền ASIAD bằng mọi giá”, ông Nguyễn Hà Nam cho biết.
 
 Người hâm mộ Việt Nam sẽ được xem U23 Việt Nam tại ASIAD 2018 trên sóng truyền hình chính thống.
Có nhiều đồn đoán về con số mà đối tác đưa ra với VTV về bản quyền ASIAD 2018 trước đó. Họ cho rằng, thực tế đối tác không hét giá đối với VTV. Vì thế việc đơn vị này không mua được bản quyền phát sóng ASIAD càng bị chỉ trích, đặc biệt là khi VOV mua lại bản quyền phát sóng với chi phí 1,3 triệu USD.
Trả lời về vấn đề này, theo ông Nguyễn Hà Nam, đó chỉ là những thông tin mang tính ước lượng, thiếu chính xác. “VTV cũng không thể công bố hay tiết lộ con số cụ thể. Đó là điều bí mật. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định số tiền mà đối tác sở hữu bản quyền ASIAD 2018 rao giá với VTV là rất cao”, ông Hà Nam nói.
Trước đó, vào đầu giờ chiều 21.8, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (đơn vị thành viên Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV) chính thức phát đi thông báo đã đạt thỏa thuận nắm giữ bản quyền truyền thông Đại hội thể thao châu Á (ASIAD 2018) tại Việt Nam vào sáng cùng ngày.
Thỏa thuận bao gồm mọi quyền truyền thông về ASIAD 2018, bản quyền tất cả sự kiện trong khuôn khổ ASIAD 2018 tại lãnh thổ Việt Nam.
Theo đó, khán giả truyền hình sẽ được xem trực tiếp các trận đấu đáng chú ý của ASIAD 2018 trên VTC3 và các kênh sóng khác của VTC. Thính giả phát thanh có thể nghe trực tiếp trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Người dùng trực tuyến tại Việt Nam có thể xem trực tiếp, miễn phí tất cả các sự kiện ASIAD 2018 qua ứng dụng VTC Now và báo điện tử VTC.VN, VOV.VN.
VTC sẽ tổ chức các chương trình tường thuật, bình luận với sự có mặt của những gương mặt gạo cội như BLV Quang Huy, BLV Thành Lương.
Bên cạnh đó là các sự kiện bên lề sống động từ nhiều điểm cầu kết nối trong nước và quốc tế.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, cho biết việc Đài Tiếng nói Việt Nam có chủ trương mua bản quyền sự kiện thể thao này xuất phát từ mong muốn phục vụ tốt các nhu cầu thông tin, giải trí lành mạnh của nhân dân, phù hợp với vai trò trách nhiệm của những cơ quan báo chí quốc gia như VOV, VTC.
ĐÀO BÍCH